Ngày 21/11, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014 đối với các địa phương từ Thừa Thiên Huế trở ra.
Có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, Luật này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng (CC), đảm bảo thực hiện tốt các nghĩa vụ thành viên của Liên minh Công chứng quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền khẳng định: Luật CC năm 2014 đã kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật CC năm 2006, đồng thời bổ sung một số quy định mới. “Các quy định này nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên (CCV), nâng cao chất lượng hoạt động CC, hoàn thiện một bước thể chế CC theo định hướng xã hội hóa, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức tham gia các hợp đồng, giao dịch, ổn định và phát triển kinh tế – xã hội” – Thứ trưởng Hiền nhấn mạnh.
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật năm 2014 là phạm vi CC được mở rộng hơn so với Luật năm 2006. Theo Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Nguyễn Khái Hưng, CCV được giao nhiệm vụ CC bản dịch, chịu trách nhiệm đảm bảo nội dung bản dịch là chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Bên cạnh nhiệm vụ CC bản dịch, CCV cũng được giao nhiệm vụ chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản và việc chứng thực này được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng thực.
Đại diện Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) vui mừng nhận thấy các quy định của Luật CC 2014 đã mở rộng thẩm quyền cho việc thực hiện CC ở ngoài nước, đảm bảo quyền và nghĩa vụ hợp pháp của công dân ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi, giảm thiểu chi phí, công sức để công dân ta có thể thực hiện một số quyền và nghĩa vụ đối với tài sản của mình ở trong nước. Tuy nhiên, việc mở rộng thẩm quyền cho các cán bộ lãnh sự thực hiện hoạt động với tư cách CCV tại các cơ quan đại diện cũng làm tăng trách nhiệm của các cán bộ này.
Chia sẻ lo lắng của Cục Lãnh sự, Chủ tịch Hội Công chứng TP.Hà Nội Chu Văn Khanh cũng cho biết, việc giao lại thẩm quyền CC bản dịch, chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký sẽ gây khó khăn, bỡ ngỡ nhất định cho các CCV, nhất là CCV của các văn phòng CC vốn chưa từng thực hiện nhiệm vụ này. Cụ thể là các CCV có thể không dễ dàng xác định được bản chính nào là thật khi chứng thực bản sao vì việc làm giả giấy tờ hiện nay rất tinh vi, hay khi CC bản dịch sẽ là thách thức cho CCV bởi họ phải chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch.
Do đó, để nâng cao chất lượng CC tại các cơ quan đại diện, phía Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục tăng cường các lớp nghiệp vụ lãnh sự, bồi dưỡng nghiệp vụ CC để tăng tính chuyên nghiệp của cán bộ thực hiện.
Ngoài ra, Cục Lãnh sự cũng sẽ có các công điện hướng dẫn việc thực hiện CC theo Luật mới tới tất cả các cơ quan đại diện ở nước ngoài và đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp mở các lớp bồi dưỡng về CC cho cán bộ lãnh sự đi luân chuyển. Còn với các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực CC như Sở Tư pháp TP.HCM thì cam kết sẽ tăng cường công tác bồi dưỡng bắt buộc và cập nhật quy định, kỹ năng mới cho CCV, đặc biệt đối với các quy định, kỹ năng thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính, chữ ký trong giấy tờ, văn bản, CC bản dịch.
Theo baophapluat.vn