Tổ chức Hội đồng công chứng Cộng hoà Pháp và kinh nghiệm cho Việt Nam

Công chứng Pháp có nguồn gốc từ lâu đời, từ thế kỷ thứ XV dưới thời Vua Francois Đệ nhất đã có văn bản đầu tiên liên quan đến công chứng có tên gọi là Pháp lệnh Viller-Cotterêt quy định về việc tổ chức nghề công chứng. Đến nay Pháp có nền công chứng khá phát triển. Pháp là một trong 19 thành viên sáng lập Liên minh Công chứng quốc tế (tên gọi cũ là Liên minh quốc tế công chứng Latin cho đến năm 2007) được thành lập ngày 2/10/1948. Về tổ chức, công chứng Pháp được tổ chức thành hội đồng từ trung ương đến địa phương. Trung ương có Hội đồng công chứng tối cao, các địa phương có Hội đồng công chứng Vùng, Hội đồng công chứng Tỉnh hoặc Liên tỉnh được tổ chức theo thẩm quyền lãnh thổ của toà án (sau đây gọi là Hội đồng tỉnh, liên tỉnh, Hội đồng Vùng và Hội đồng tối cao). Trong bối cảnh Việt Nam đã thành lập Hội công chứng tại Tp Hà Nội, tp Hồ Chí Minh , tiến tới sẽ thành lập Hội tại một số tỉnh, thành phố Trung ương khác và thành lập Hiệp hội công chứng toàn quốc tạo tiền đề để công chứng Việt Nam hội nhập công chứng quốc tế. Hơn nữa, trong năm 2012 Luật công chứng năm 2006 sẽ được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn với thực tiễn phát triển công chứng Việt Nam trong xu thế hội nhập, bài viết này nhằm giới thiệu kinh nghiệm của Cộng hoà Pháp trong việc quản lý công chứng viên và Văn phòng công chứng thông qua các Hội đồng tự quản.

Tổ chức Hiệp hội công chứng Pháp được điều chỉnh bởi Pháp lệnh ngày 2/11/1945 và Nghị định số 19/12/1945[1]. Những văn bản này đến nay vẫn có hiệu lực. Hiện nay trên toàn lãnh thổ của Pháp có 80 Hội đồng công chứng Tỉnh và Liên tỉnh, 33 Hội đồng công chứng Vùng và 1 Hội đồng Công chứng tối cao.

Hội đồng công chứng tỉnh, Hội đồng công chứng liên tỉnh.

Mỗi tỉnh thành lập một Hội đồng công chứng Tỉnh trên cơ sở thẩm quyền lãnh thổ của Toà án. Mỗi địa hạt của Toà án sơ thẩm sẽ có một Hội đồng công chứng tỉnh. Hội đồng công chứng liên tỉnh thành lập gồm ít nhất từ 2 tỉnh trở lên, ví dụ như Hội đồng công chứng liên tỉnh de Savoie et de Haute – Savoie.

Hội đồng công chứng tỉnh có nguồn tài chính do các Văn phòng công chứng đóng góp trên cơ sở doanh thu của mỗi Văn phòng công chứng.

Hội đồng này có những chức năng sau:

– Xây dựng quy tắc hành nghề công chứng trong phạm vi tỉnh điều chỉnh về quan hệ giữa công chứng viên với khách hàng, quan hệ giữa các công chứng viên với nhau. Quy tắc này phải được Bộ trưởng Bộ Tư pháp để phê duyệt;

– Giải quyết tất cả mâu thuẫn, tranh chấp về nghề nghiệp giữa các công chứng viên trong tỉnh bằng hình thức hoà giải, trong trường hợp hoà giải không thành, ra các quyết định kỷ luật, các quyết định này có hiệu lực thi hành ngay;

– Xem xét giải quyết khiếu kiện công chứng viên trong quá trình hành nghề;

– Kiểm tra sổ sách kế toán của văn phòng công chứng, về tổ chức và hoạt động của các văn phòng công chứng trong tỉnh;

– Cho ý kiến tham vấn về các vấn đề kiện công chứng viên đòi bồi thường thiệt hại do lỗi của công chứng viên gây ra;

– Lưu trữ các bản gốc của các văn phòng công chứng bị xoá bỏ;

– Chuẩn bị nguồn ngân sách, theo dõi và yêu cầu thanh toán các khoản đóng góp của công chứng viên;

– Tuyển và đào tạo nghề cho thư ký và nhân viên văn phòng công chứng, quản lý theo dõi điều kiện làm việc trong các văn phòng; các vấn đề về tiền lương và phụ cấp phù hợp với quy định cùa pháp luật.

Như vậy, Hội đồng công chứng Tỉnh và liên Tỉnh giữ vai trò quan trọng trong việc quản lý các công chứng viên trong phạm vi lãnh thổ của địa phương mình.

Hội đồng công chứng Vùng

Hội đồng công chứng Vùng được thành lập theo thẩm quyền lãnh thổ của Toà phúc thẩm bao gồm một số Hội đồng công chứng Tỉnh và Liên tỉnh. Hội đồng công chứng Vùng gồm các đại diện của Hội đồng công chứng Tỉnh. Số lượng đại diện của các hội đồng tỉnh tỉ lệ thuận với số lượng công chứng viên có trong từng Hội đồng Tỉnh. Mỗi Hội đồng Vùng phải có ít nhất là 7 uỷ viên, Các uỷ viên này có nhiệm kỳ là 4 năm.

Hội đồng công chứng Vùng là cơ quan đại diện của công chứng viên trước các cơ quan quyền lực chính trị và tư pháp ở địa phương có những chức năng sau:

– Hội đồng công chứng Vùng hoà giải các mẫu thuẫn nghề nghiệp giữa các Hội đồng công chứng Tỉnh hoặc mâu thuẫn giữa các công chứng viên thuộc các Hội đồng công chứng Tỉnh khác nhau. Trong trường hợp hoà giải không thành, Hội đồng công chứng Vùng đưa ra các hình thức kỷ luật. Các quyết định của Hội đồng có hiệu lực thi hành ngay.

– Cho ý kiến tham vấn đối với các Quy tắc hành nghề của các Hội đồng Tỉnh.

– Tham gia vào Uỷ ban kiểm tra đầu vào các ứng viên hành nghề công chứng;

– Tham gia vào Hội đồng quản trị Quỹ bảo hiểm hành nghề công chứng Vùng;

– Tham gia vào Hội đồng công chứng tối cao;

– Tham gia vào Uỷ ban kiểm tra kế toán các công chứng viên;

– Lập ngân sách Hội đồng công chứng Vùng thông qua việc phân bổ các nghĩa vụ  tài chính cho Hội đồng công chứng Tỉnh trên địa bàn quản lý;

– Thi hành các quyết định của Hội đồng Công chứng tối cao.

Hội đồng Công chứng tối cao

Hội đồng công chứng tối cao bao gồm các uỷ viên do các Hội đồng công chứng Vùng bầu. Về nguyên tắc mỗi Hội đồng Vùng được bầu 01 uỷ viên. Tuy nhiên đối với những Hội đồng Vùng lớn như Hội đồng Paris có thể có 2 uỷ viên đại diện để tham gia Hội đồng công chứng tối cao. Các uỷ viên Hội đồng tối cao được bầu với nhiệm kỳ là 4 năm. Cứ 2 năm một nửa số thành viên của Hội đồng tối cao lại được bầu lại. Các Chủ tịch và phó Chủ tịch có nhiệm kỳ là 2 năm và có thể được bầu lại

Cũng như các uỷ viên của Hội đồng công chứng Tỉnh và Hội đồng Vùng, hoạt động của các uỷ viên Hội đồng tối cao mang tính tự nguyện không được trả lương. Tuy nhiên họ được hưởng phí công tác trong khuôn khổ kế hoạch các chuyến công tác đã được duyệt của Hội đồng Tối cao. Ngoại lệ, họ có thể được hưởng một khoản tiền trong khuôn khổ quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trên cơ sở đề nghị của đa số thành viên Hội đồng  công chứng tối cao.

Về chức năng, Hội đồng công chứng tối cao có nhiều chức năng quan trọng trong nội bộ nghề công chứng và đối với các cơ quan quyền lực Nhà nước. Là tổ chức duy nhất đại diện cho tất cả các công chứng viên tại Pháp Hội đồng công chứng tối cao đề ra những chính sách phát triển chung của nghề công chứng quản lý nghề công chứng và đưa ra ý kiến tham vấn cho Nghị viện, Chính phủ trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật (Dự thảo luật, Văn bản pháp quy). Tham vấn cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp về các vấn đề liên quan đến nghề công chứng. Đưa ra chính sách chung về tổ chức các trường đào tạo công chứng viên, về nhân sự văn phòng công chứng, tuyển dụng công chứng viên, đào tạo đội ngũ thư ký và nhân viên các văn phòng công chứng; về công chứng viên tập sự, quy định điều kiện làm việc tại văn phòng công chứng, thực hiện bảo hiểm trách nhiệm dân sự nghề nghiệp công chứng cho các công chứng viên,  lương, thù lao khác của  công chứng viên theo quy định của pháp luật.

Hội đồng Tối cao xây dựng Quy tắc hành nghề công chứng quốc gia. Quy tắc này phải được Hội đồng toàn thể Hội đồng công chứng Tối cao thông qua và phải được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt. Các quy tắc hành nghề của Hội đồng Tỉnh không được trái với Quy tắc hành nghề quốc gia.

Hội đồng này cảnh báo và giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng nghề nghiệp giữa các Hội đồng Tỉnh hoặc bất đồng giữa các công chứng viên thuộc các Hội đồng Vùng khác nhau. Khi có mẫu thuẫn xảy ra Hội đồng sẽ tiến hành hoà giải, trong trường hợp hoà giải không thành, Hội đồng đưa ra quyết định chính thức, quyết định này có hiệu lực thi hành ngay.

Nguồn tài chính của Hội đồng tối cao là do đóng góp của các Hội đồng công chứng Vùng trên toàn lãnh thổ Pháp theo sự phân bổ của Hội đồng này.

Như vậy, công chứng Pháp được tổ chức  hệ thống chặt chẽ khoa học từ  trung ương đến địa phương. Hệ thống Hội đồng công chứng đã giúp Nhà nước Pháp quản lý tốt về số lượng và chất lượng đội ngũ công chứng viên và văn phòng công chứng khá lớn (Theo thống kê của Pháp, tính đến ngày 1/7/2010 có 9002 công chứng viên  làm việc tại 4534 văn phòng công chứng trên khắp lãnh thổ của nước Pháp[4]), đảm bảo an toàn cho các giao dịch pháp lý trong các lĩnh vực dân sự, đất đai…Do vậy đóng góp một phần không nhỏ vào nền kinh tế Pháp thông qua việc phối hợp với cơ quan đăng ký đất đai để thu thuế cho Nhà nước.

Việc thành lập các Hội công chứng ở Việt Nam hiện nay căn cứ theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ. Theo Nghị định này, muốn thành lập Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh thì phải có ít nhất năm mươi công dân, tổ chức trong tỉnh có đủ điều kiện tham gia, trong phạm vi liên tỉnh phải có 100 công dân, tổ chức đủ điều kiện tham gia. Như vậy đối với những tỉnh chưa có đủ 50 công chứng viên thì sẽ có khó khăn để thành lập hội theo Nghị định này. Luật công chứng năm 2006 chưa có quy định đáp ứng nhu cầu thành lập và hoạt động của Hội công chứng, chúng tôi cho rằng trong thời gian tới khi sửa đổi Luật này, nên có quy định  điều chỉnh việc thành lập Hội công chứng ở địa phương và Trung ương để ở địa phương thì có Hội công chứng Tỉnh và trung ương có Hội công chứng toàn quốc, tạo môi trường tự quản chung cho các công chứng viên hành nghề phù hợp với pháp luật, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm chuyên môn, hạn chế rủi ro nghề nghiệp cho công chứng viên. Đồng thời, Hội cũng giúp nhà nước quản lý công chứng viên hành nghề, tạo an toàn pháp lý cho công chứng viên và người dân./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0902082699