Câu hỏi: Trường hợp mua bán nhà đất nhưng bên bán không đọc được, không ký được. Vậy khi làm thủ tục công chứng hợp đồng chuyển nhượng thì có bắt buộc phải có người làm chứng không? Cần phải chuẩn bị những giấy tờ gì để làm công chứng?
Trả lời: Căn cứ theo quy định tại Điều 47 Luật công chứng năm 2014 quy định vể người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch cụ thể như sau:
“1. Người yêu cầu công chứng là cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự…”
“2. Trường hợp người yêu cầu công chứng không đọc được, không nghe được, không ký, điểm chỉ được hoặc trong những trường hợp khác do pháp luật quy định thì việc công chứng phải có người làm chứng.
Người làm chứng phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không có quyển, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng.
Người làm chứng do người yêu cầu công chứng mời, nếu người yêu cầu công chứng không mời được thì công chứng viên chỉ định.”
Đối chiếu với trường hợp trên, nếu bên bán không đọc được, không ký được thì bắt buộc phải có người làm chứng và hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đó phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật. Người làm chứng phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không có quyền, lợi ích liên quan đến tài sản công chứng đó. Người yêu cầu công chứng tự mời người làm chứng, còn trong trường hợp không mời được người làm chứng thì có thể yêu cầu công chứng viên chỉ định người làm chứng. Người làm chứng phải cùng ký tên vào văn bản đó.
Những giấy tờ cần phải chuẩn bị để làm công chứng hợp đồng chuyển nhượng nhà đất trong trường hợp trên như sau:
– Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ; ( nếu người yêu cầu công chứng không có phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu thì có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng cung cấp phiếu yêu cầu công chứng)
– Dự thảo hợp đồng, giao dịch; (nếu người yêu cầu công chứng đã soạn thảo sẵn theo đúng mẫu quy định. Trường hợp không có dự thảo hợp đồng đã soạn thảo sẵn thì có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng soạn thảo hợp đồng)
– Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng; ( Tùy từng trường hợp mà sẽ có những giấy tờ khác nhau, ví dụ như: Chứng minh nhân dân, hộ khẩu, đăng ký kết hôn, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, …), (bao gồm cả bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng).
– Bản sao giấy tờ tùy thân của người làm chứng ( gồm Chứng minh nhân dân, hộ khẩu);
– Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở;
Tuy nhiên, người yêu cầu công chứng vẫn phải mang đầy đủ bản chính của các loại giấy tờ trên để Công chứng viên kiểm tra, đối chiếu trước khi ghi lời chứng và ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch.
Phạm Thị Thảo – Công chứng viên
Văn phòng công chứng Nguyễn Dũng
Điện Thoại: 024. 6288 6788/ 024.688 6789
Hotline : 094 208 7777